10 thg 11, 2021

BÁNH MÌ TĂNG GIÁ

Mấy ngày gần đây ở tiệm bánh mì gần nhà, tôi nghe được một số khách hàng hỏi chị thu ngân rằng “khi nào thì bánh mì có giá mới ?”. Hơi ngạc nhiên và tò mò vì không chỉ có một người hỏi nên tôi thử tìm trên internet và biết rằng dân tình nước Pháp đang xôn xao vì sắp tới bánh mì baguette sẽ tăng khoảng 5-10 xu lên đến mốc 1€ một ổ, cao kỷ lục từ trước đến giờ.


Bánh mì baguette không chỉ là một biểu tượng ẩm thực của nước Pháp mà còn là tham chiếu quan trọng trong việc tính toán mức độ tăng của giá cả sinh hoạt: giá bánh mì mà tăng thì mọi thứ còn lại đã hay sẽ tăng theo.

Sau một thời gian dài quen với mặt bằng giá chung biến động ít, người dân Pháp gần đây bị choáng với việc giá của nhiều mặt hàng như xăng dầu, gaz, bột mì, cà-phê, đường, dầu thực vật, ngũ cốc … tăng mạnh, có những mặt hàng tăng đến 20-30%. Trong trường hợp với ổ bánh mì baguette, tính ra giá của nó sẽ tăng từ 5-10% tùy theo từng địa phương.

Phần lớn người dân Pháp cũng không quan tâm mấy đến nguyên nhân của giá tăng mà thay vào đó, họ tìm cách để thích ứng. Chẳng hạn một số người giảm chi phí xăng dầu bằng cách độ chế lại xe ô-tô để sử dụng loại nhiên liệu rẻ hơn như khí hóa lỏng, đi làm chung xe, hay chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhiều người sống ở vùng biên giới với Tây Ban Nha đã chịu khó lái xe đi chợ bên kia biên giới để không phải thấy túi tiền của mình bốc hơi nhanh.

Mỗi khi lạm phát cao xảy ra, nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều nhất luôn là nhóm có thu nhập thấp và trung bình, bởi vì phần lớn chi tiêu của họ là dành cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Trong trường hợp thu nhập không tăng theo kịp so với tốc độ tăng của giá cả thì thì sức mua của họ bị giảm đi đáng kể, cũng chính vì vậy mà người ta nói rằng lạm phát cũng là một loại thuế.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của lạm phát ở nhóm này là nhìn vào túi tiền hay tài khoản của mình. Cũng chi tiêu như thời gian trước mà bỗng nhiên thấy tiền ra nhanh quá, không còn tiết kiệm được bao nhiêu hoặc thậm chí chưa hết tháng đã hết tiền. Và khi nước đến chân thì mỗi người có cách nhảy khác nhau.

Có người chủ động tìm kiếm thêm nguồn thu nhập mới, có người sắp xếp lại các khoản chi tiêu của mình, cắt giảm những khoản chi tiêu không là thiết yếu chẳng hạn như đi ăn ngoài, các khoản thuê bao dịch vụ trên internet, hay giải trí du lịch. Với những khoản tiết kiệm, người khôn ngoan lanh lẹ sẽ tìm đến những hình thức đầu tư an toàn khác thay vì tiết kiệm đơn thuần.

Nhiều nhà phân tích và chuyên gia cho rằng ở các nền kinh tế phát triển, lạm phát sẽ tăng vụt lên trong một thời gian ngắn rồi sẽ dịu xuống, rồi quay về mức thấp như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong khi đó, ở các nền kinh tế đang phát triển hay mới nổi, trong đó có Việt Nam, lạm phát trước đây đã ở mức tương đối cao nên trong trường hợp giá cả tăng mạnh thêm, đời sống của một bộ phận dân cư sẽ trở nên rất chật vật.

Giá xăng ở Việt Nam cũng vừa mới tăng mạnh, cao nhất trong 7 năm gần đây và mức giá của nhiều mặt hàng lại rất nhạy cảm với việc giá xăng tăng, không khác gì câu chuyện giá ổ bánh mì baguette ở Pháp.

Có điều, lạm phát ở nhiều nước bắt đầu sau khi nền kinh tế ở những nơi này hồi phục trở lại, sau các chương trình hỗ trợ lớn và nhanh của Chính phủ. Còn ở Việt Nam, đợt dịch bệnh nghiêm trọng gần đây chỉ mới bắt đầu được kiểm soát và kinh tế đang mở lại từ từ. Các gói hỗ trợ kinh tế trước đây không mấy hiệu quả và đang dự kiến có một gói kích thích kinh tế lớn hơn. Chính vì vậy mà trên nền lạm phát đang có sẵn, giá cả tăng theo giá thế giới, rồi gói kích thích kinh tế được tung ra thì nhiều khả năng giá cả sẽ vượt tầm kiểm soát.

Nhưng lạm phát lại là kỳ vọng trong ngắn hạn của nhiều nhóm người khác nhau, từ dân chúng, doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân hàng trung ương đến các nhà phân tích dự báo. Và không một nhóm riêng lẻ nào trong các nhóm trên có thể dự báo chính xác được lạm phát.

Và theo Jeremy B. Rudd, một thành viên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đồng thời là người rất nổi tiếng trong chủ đề lạm phát thì kỳ vọng lạm phát phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của ngân hàng trung ương, trải nghiệm trong quá khứ với lạm phát của người dân, doanh nghiệp, và nhà đầu tư. Quan trọng hơn, nếu nỗi lo sợ lạm phát diễn ra trong một thời gian dài, thì nó sẽ trở thành hiện thực.

Ai rồi cũng có cái khó và nỗi lo của mình khi lạm phát xảy ra. Các cơ quan hoạch định chính sách thì phải xác định nguyên nhân chính và tìm giải pháp khả dĩ để kiểm soát rồi kéo lạm phát xuống lại; doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh kế chiến lược của mình để thích ứng. Còn riêng về dân chúng, chỉ lo là có một bộ phận không biết sẽ làm gì mà chấp nhận nhìn thu nhập của mình bị bốc hơi, thấy cuộc sống ngày càng chật vật hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui Lòng Lịch Sự & Chừng Mực, Cảm Ơn Bạn !