3 thg 6, 2021

Đối Diện với Rủi Ro Đầu Tư

Trong đầu tư, hầu hết những người có lời là người biết tính rủi ro TRƯỚC khi tính lợi nhuận.

Mà đã gọi là đầu tư, thì luôn luôn có rủi ro, vì bất kì tài sản nào cũng có thể giảm giá trong tương lai. Ngay như chứng chỉ tiền gửi, hay trái phiếu chính phủ cũng có rủi ro, chẳng hạn khi lạm phát tăng.

Chàng-Ngốc-Già

Vậy rủi ro trong đầu tư là gì ? đó chính là sự bất định (uncertainty) trong tương lai, làm giảm giá trị của khoản đầu tư. Ví dụ đầu tư vào cổ phiếu và giá cổ phiếu giảm, đầu tư sản xuất kinh doanh thì bị Covid-19, đầu tư qua Myanmar thì bị khủng hoảng chính trị như vừa rồi.

Ở đây mình chỉ nói về rủi ro trong đầu tư cổ phiếu thôi nghen !

Đương nhiên ai cũng biết rủi ro trong đầu tư cổ phiếu là “bị đu đỉnh”, mua cao bán thấp. Ví dụ mua 100k/cp mà bán có 95k/cp thì lỗ bà nó hơn 5% rồi (phải tính luôn phí giao dịch).

Nhưng còn rủi ro nữa là tính thanh khoản. Mua trúng cổ phiếu tính thanh khoản kém, muốn bán rút tiền ra mà khối lượng giao dịch lèo tèo thì sầu thiên thu, không thì phải bán với spread cao (spread bid-ask Chàng-Ngốc-Già giải thích trong tập 2).

Ngoài ra là đầu tư cổ phiếu không đa dạng hóa danh mục, khi mà ngành đó bị “hit” thì kéo theo cả chùm luôn.

Vậy nên phải tính trước rủi ro, tính toán hoặc check qua (có chỗ khác tính cho mình rồi, ví dụ các tools Pro có trả phí) mức độ rủi ro của tài sản, và khả năng chịu nhiệt của mình. 
Bằng cách nào ?

Trước tiên là biết một số cách tính rủi ro khác nhau. Trong đó:

Mức độ dao động (volatility) của cổ phiếu hay cả danh mục, thường dùng độ lệch chuẩn (Std aka. Standard deviation). Các bạn có thể đọc thêm ví dụ Ở Đây. Cho nên muốn đầu tư thì phải biết kha khá môn học thống kê, xác suất, kinh tế lượng. Vĩ mô có thể xem chỉ số VIX. Ngoài ra có thể nghía thêm chỉ số tham-sợ hãi

Mức độ rớt giá cao nhất (max drawdown), ví dụ thị trường Mỹ lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuống 57%, còn MSCI VNIndex có lúc xuống tận 78,36%. Đó, coi sức mình chịu nhiệt nhiều nhất bao nhiêu.

Hệ số tương quan (beta) của cổ phiếu đó với thị trường, để coi nếu thị trường chạy lên hay chạy xuống 1% thì cổ phiếu mình nhắm nó chạy hướng nào, bao xa.

Là danh mục thì có thể tính thêm VaR (Value at Risk), không phải VAR là trọng tài video trong đá banh nha, hoặc ES (Expected Shortfall).

Vì sao phải tính rủi ro ?

Tính rủi ro để biết mình có thể chấp nhận được hay không, rồi trong tình huống xấu nhất thì sẽ như thế nào, biết trước thì sẽ không bị hoảng loạn (panic).

Tính rủi ro để còn biết lợi nhuận đã bao gồm luôn rủi ro là bao nhiêu. Đừng có tính lợi nhuận không, vì mức độ rủi ro của từng khoản đầu tư là khác nhau, đâu có có táo với cam được. Muốn so lợi nhuận hơn kém thì phải cùng mức độ rủi ro.

Chỉ số thường được sử dụng là Sharpe ratio. Chỉ số này >1 là ngon.

Quản lý rủi ro thế nào ?

Quay lại Tập 2 và và Tập 3 thì đó là phân bổ tài sản và đa dạng hóa danh mục thôi. Có một số người dùng hedge nhưng cá nhân Chàng-Ngốc-Già thì không khoái cái này, vì thật ra chỉ phát sinh thêm chi phí.

Nhưng cái gì cũng phải tính toán được ra con số thì mới kiểm soát được, cho nên cần làm bài tập ở nhà nhiều (homework), tính toán các chỉ số. Còn không thì “không có việc gì khó,..., làm không được thì mua” :).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui Lòng Lịch Sự & Chừng Mực, Cảm Ơn Bạn !