29 thg 5, 2021

Đánh Giá Hiệu Quả Đầu Tư

Trong nhiều ngành, có một nguyên tắc như thế này “cái gì bạn không đo lường được, bạn không quản lý được”. Thì trong đầu tư cũng vậy.

Bỏ tiền ra đầu tư, sau một thời gian thì phải đo được hiệu quả của khoản đầu tư (lỗ/lời). Rồi trong danh mục, cái nào ngon cái nào dở để rồi sắp xếp lại đội hình

Ngặt cái là trong tài chính, có nhiều cách đo hiệu quả, và hiệu quả trong từng loại hình đầu tư là khác nhau.
Chàng-Ngốc-Già
Ví dụ lướt sóng ngắn hạn, thì chỉ mong giá lên khi mua (long) giá xuống khi bán (short). Còn nếu đầu tư dài hạn (buy-and-hold) 15-20 năm thì quan tâm lợi nhuận tương lai của công ty có tăng, công ty có phát triển.

Trong khi đó người lớn tuổi, sắp về hưu, đầu tư quan tâm nhiều hơn đến dòng tiền ổn định kiểu trái phiếu, cổ phiếu cổ tức tốt.

Chính vì vậy mà mỗi loại hình đầu tư có mức độ rủi ro khác nhau thì lợi nhuận kì vọng cũng khác nhau, không so sánh táo với cam (comparing apples to oranges) được. Không nên so sánh hiệu quả của đầu tư cryptocurrencies với cổ phiếu, giữa mấy ông bự (big cap) với mới ông nhỏ (small cap).

Lợi tức

Lợi tức trái phiếu (yields on bonds): lúc phát hành lợi tức chính là coupon. Ví dụ trái phiếu mệnh giá 100k, lợi tức 10%/năm tức là 10k. Sau đó trái phiếu được mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp, thì lợi tức sẽ thay đổi, tùy thuộc còn bao lâu đáo hạn, lãi suất thị trường, cung-cầu, xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành.

Lợi tức cổ phiếu (yields on stocks): lấy cổ tức chia giá thị trường. ví dụ cổ tức năm nay 5k, giá đang là 100k thì lợi tức là 5%. Dĩ nhiên nếu cổ phiếu không chia cổ tức thì yield là 0%. Nhưng chỗ này lưu ý nữa là không phải công ty nào cũng chia hết lợi nhuận, cái này gọi là tỷ lệ chia cổ tức (payout ratio). Ví dụ lợi nhuận 10 đồng, chia 7 đồng thì tỷ lệ chia cổ tức là 70%. Giữ lại là để tái đầu tư bởi vì lẽ thường công ty thấy có cơ hội tốt hơn. 
Tỷ suất sinh lợi (Rate of Return)

Công thức tính là: ROI = [giá trị sau + thu nhập (nếu có) – giá trị trước] ÷ giá trị trước

Ví dụ mua cổ phiếu lúc 100k, bây giờ giá là 120k, không có cổ tức, thì ROI sẽ là

[120-100] ÷ 100 = 20%

Nếu có cổ tức 5k, thì ROI sẽ là [120+5-100] ÷100 = 25%.

Chính vì vậy mà có khái niệm tổng lợi nhuận (total return), khi phải tính luôn cổ tức. các quỹ, hay chỉ số thường tính lại nên có total return index bên cạnh return index.

Còn trong trường hợp đầu tư dài hạn thì sao ?

Ví dụ như sau 5 năm, thì cổ phiếu từ 100k lên 250k, không cần cổ tức 😊. Thì ROI là bao nhiêu một năm?

ROI của cả quá trình thì theo công thức trên, là [250-100] ÷ 100 = 150%

Nhưng tính theo năm, thì sẽ là AR = (1+ROI)^1/5 – 1 = 20,11%/năm

Tỷ suất sinh lợi trung bình nhân (Geometric average Return)

Rất nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa lợi nhuận trung bình cộng (arithmetic) và trung bình nhân (geometric).

Ví dụ một nhà đầu tư có kết quả sau 6 tháng:

T1: +10%, T2:+5%, T3:-10%, T4:-10%, T5:+5%, T6:+20%.

Vây tỷ suất sinh lợi trung bình là bao nhiêu ?

Nhiều người sẽ tính là trung bình của 6 tháng, tức ROI = (10%+5%-10%-10%+5%+20%) ÷ 6 = 3,33%

Nhưng THẬT ra ROI sẽ phải là: (1,1x1,05x0,90x0,90x1,05x1,20)^1/6 -1 =  2,78%.

Như vậy, return trong trường hợp trung bình cộng thường được "phóng đại" hơn trung bình nhân. Mà nhiều quỹ đầu tư cũng dùng trung bình cộng để báo cáo 😂

Một số điều cần lưu ý

· Tổng chi phí giao dịch

· Đọc và hiểu báo cáo tài khoản hằng năm của công ty chứng khoán gửi, ở trong đó có liệt kê chi tiết, ai đọc mất lần đầu đừng có bị sốc 😊

· Phải tính đến thuế, trước và sau vì liên quan đến thuế thu nhập cá nhân

· Và loại thuế ẩn là lạm phát 😊.

Lời/Lỗ trong đầu tư

Cái này gọi là capital gains/losses. Còn trên giấy và đã thực hiện.

Thường thì lời giữ trong dài hạn chịu thuế thấp hơn. Đó cũng là cách mấy người thiệt là giàu giữ lời chưa thực hiện (unrealizzed gains). Ví dụ như có người nắm BRK hay MSFT mấy chục năm 😊. Quan trọng nữa là cho phép chuyển lỗ, không may lỗ năm này thì có thể chuyển qua năm sau, nếu có lời thì lời ít lại để đóng thuế ít.

Nguồn tham khảo: FINRA

13 nhận xét:

  1. Dạ em cám ơn thầy rất nhiều ạ. Em có đang tự ngâm cứu cuốn Đầu Tư Tài Chính thì vẫn hơi lan man chỗ lợi suất trung bình và cách hiểu về trung bình cộng và trung bình nhân, nhờ cách chia sẻ này mà em đã clear hơn rồi ạ. Em cám ơn thầy nhiều ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn TS! Always be your top fan on podcast!

    Trả lờiXóa
  3. lợi nhuận trung bình cộng (arithmetic) và trung bình nhân (geometric).
    Thực ra thì giữa 2 tiêu chí này, tiêu chí nào sẽ đánh giá chính xác hơn hiệu quả đầu tư của cá nhân? mình cũng dùng trung bình cộng. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. mình có biết về tài chính thì phải hơn ngưuời khác chút chứ :). trong post có ví dụ lời/lỗ 6 tháng đó. nếu chuyển sang năm cũng vậy. bạn thử tính cho 10 năm, vừa có lỗ vừa có lời, sẽ bị "thỏi phồng" hơn trung bình cộng.

      Xóa
    2. Cám ơn TS! Mà đúng như TS nói, nhìn arithmetric mean thấy sướng cái đầu hơn geometric mean. :)

      Xóa
  4. em cám ơn thầy. câu nói “cái gì bạn không đo lường được, bạn không quản lý được” quả thực rất ý nghĩa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cảm ơn em. con số khô khan nên dân tài chính thường emotional chỗ khác chắc để cân bằng :).

      Xóa
  5. E đang không hiểu công thức tính AR trong ví dụ ạ, :(

    Trả lờiXóa
  6. Công thức tính ROI em tính như trên (1 - (1,1x1,05x0,90x0,90x1,05x1,20)^1/6 = 2,78%.) thì ra là -2,78%.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. SV của mình mà được như Thế Anh mình bonus 3/20 luôn :). Cảm ơn em nhiều, anh không check kĩ dấu chỗ này. đã updated !

      Xóa

Vui Lòng Lịch Sự & Chừng Mực, Cảm Ơn Bạn !