Ngày 7/8/2019 vừa qua, đại diện của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết đã hoàn tất và sắp sửa công bố cách tính GDP mới. Theo cách tính mới này, GDP bình quân đầu người của Việt nam sẽ đạt khoảng 3000 USD/năm (2018), tăng 15,8% so với cách tính chính thức hiện hành. Nhiều khả năng, phương pháp này đã bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức (kinh tế ngầm). Nếu vậy, số liệu này chỉ là một nguồn thông tin tham khảo thêm, vì một cách chính thức không phải muốn thay đổi nguyên tắc của SNA là được, và không dễ để các tổ chức quốc tế như IMF, WB công nhận.
Theo WB, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 1/3 GDP và 2/3 lực lượng lao động ở các nước đang phát triển. Bên cạnh một điểm tích cực là sự linh động trong việc làm, các nền kinh tế có khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn thường gắn liền với năng suất lao động thấp, thất thu thuế, tham nhũng, nghèo, và bất bình đẳng thu nhập.
Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang cố gắng và quyết tâm dịch chuyển dần kinh tế phi chính thức sang chính thức, để ghi nhận đúng hơn quy mô thực của nền kinh tế. Nhưng đối với một số chính quyền, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì muốn thực hiện được, phải ưu tiên kiểm soát tốt tham nhũng, tăng hiệu lực quản lý của Nhà nước, và có chính sách kinh tế phù hợp.
Việt nam từ lâu cũng đã quan tâm tới việc dịch chuyển dần khu vực kinh tế phi chính thức. Theo ước tính của một số nghiên cứu, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 15-27% GDP. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập vấn đề này với Trưởng đại diện thường trú của IMF và mong muốn được IMF hỗ trợ để làm sao ghi nhận đóng góp của khu vực này vào thống kê chính thức. Theo Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát”, TCTK sẽ đo lường thử nghiệm từ 2019 và chính thức từ 2020.
Do vậy, rất nhiều khả năng phương pháp tính GDP mới của TCTK là tính luôn cả khu vực kinh tế phi chính thức, có điều TCTK chưa công bố phương pháp tính như thế nào vì hiện nay, có nhiều cách tính hay ước lượng quy mô khu vực kinh tế phi chính thức khác nhau.
Không dễ ghi nhận chính thức
Việc tính toán, ước lượng quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức được thực hiện hầu như ở tất cả các nền kinh tế nhằm áng chừng thực lực của nền kinh tế, cũng như có những chính sách phù hợp. Tuy vậy, nguyên tắc thống kê Tài khoản Quốc gia không tính khu vực này vào GDP chính thức. Muốn ghi nhận, chỉ có cách dịch chuyển dần khu vực phi chính thức qua chính thức với lộ trình và các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng nền kinh tế.
Cuối năm 2018, Ai Cập với khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 40-50% GDP, đã mong muốn WB và IMF ghi nhận khu vực phi chính thức vào GDP nhưng dường như câu trả lời là không có loại trừ. Chính vì vậy, chính phủ Ai Cập đã phải gấp rút đề xuất một dự thảo luật để đưa các doanh nghiệp siêu nhỏ, các DN vừa và nhỏ vào tầm quản lý, và mời đại diện của IMF thực địa tham vấn.
Nhưng trở ngại lớn nhất của việc dịch chuyển sang khu vực chính thức của Ai Cập hay nhiều quốc gia khác là ở chỗ kiểm soát tham nhũng, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, các các chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngay cả đề xuất của Ai Cập miễn tất cả các loại thuế phí trong vòng 5 năm khi các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng kí cũng chưa đủ sức thuyết phục một bộ phận dân chúng vì theo họ, sau 5 năm, họ phải bắt đầu đóng thuế, điều đó có nghĩa phải tăng giá bán, và những người mua sản phẩm dịch vụ của họ (đa phần là dân nghèo) sẽ giảm sức mua.
Nhưng ở góc độ khác, tham nhũng và tính thực thi pháp luật thấp đã cản trở một bộ phận khác muốn được hợp thức hóa sản xuất kinh doanh nhưng không được. Những điều kiện chồng chéo, phức tạp khiến họ không có được giấy phép kinh doanh chính thức hay dễ dàng bị vi phạm quy định của pháp luật. Những khoản phạt hay hối lộ vô định, nhiều khi còn lớn hơn các khoản thuế hay phí họ phải nộp khi được hoạt động chính thức.
Việc gia tăng quy mô GDP chính thức là điều mà các Chính phủ đều mong muốn, vì điều đó thể hiện sự thịnh vượng và nhiều lợi ích khác đi kèm vì rất nhiều chỉ số gắn liền với GDP. Nhưng ngày nay, cũng có nhiều ý kiến cho rằng GDP không là thước đo duy nhất nên hướng đến bằng mọi giá, quan trọng là người dân được gia tăng lợi ích thiết thực gì từ tăng GDP. Việc thay đổi cách tính GDP của TCTK nếu bằng cách tính luôn cả khu vực phi chính thức để làm đẹp hơn GDP, thì cũng chỉ là một thông tin để tham khảo. Chỉ có cách dịch chuyển khu vực phi chính thức sang chính thức, thì lúc đó GDP mới được phản ánh sát thực hơn, và cần được quốc tế ghi nhận.
Ngoài ra, GDP tăng không nên dựa vào cách thay đổi cách tính, mà nên dựa vào các lực tăng thực sự, tùy vào mô hình tăng trưởng của từng nên kinh tế khác nhau. Các nền kinh tế tăng trưởng bền vững và đem lại lợi ích cho người dân, đều chú trọng đến R&D, giáo dục, y tế, và môi trường.
Bài đã đăng Ở Đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Vui Lòng Lịch Sự & Chừng Mực, Cảm Ơn Bạn !